Miền Tây Nam Bộ (miền Tây) là tên gọi của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khu vực gồm 13 tỉnh, thành, nơi không chỉ nổi tiếng là vựa lúa và vùng cây ăn quả lớn nhất cả nước mà miền Tây còn là nơi mang lại nguồn lợi lớn từ việc phát triển du lịch. Trong đó, ẩm thực miền Tây cũng là một nét văn hóa đặc trưng giúp nhiều người biết đến vùng đất xinh đẹp này.
Trong số 13 tỉnh miền Tây thì An Giang chính là tỉnh có dân số đông nhất. Nơi có nhiều đồng bào cư trú như: Chăm, Khmer, Hoa, Việt… Chính điều này đã là cho nền ẩm thực An Giang thêm phong phú và đa dạng, với mỗi món ăn là một nét đặc trưng riêng. Để hiểu rõ hơn về ẩm thực vùng đất Bảy núi này mời bạn đến với 10 món đặc sản mà dân du lịch thường kháo nhau phải thử khi đến An Giang.
10 món ăn nổi tiếng của vùng Bảy núi An Giang
Gỏi sầu đâu
Sầu đâu là một loại cây thuộc họ Meliaceae thường mọc nhiều ở các khu vực nhiệt đới và bán nhiệt đới. Ở Việt Nam sầu đâu mọc khá nhiều ở miền Tây đặc biệt là vùng Bảy núi An Giang và Châu Đốc. Lá của loài cây này có kích thước nhỏ, dài và mỏng, khi còn non đọt sẽ có màu tim tím. Loại lá này có mùi hơi đăng đắng, nhưng hậu lại rất ngọt. Người dân ở đây thường hái lá sầu đâu ăn như một loại ra sống, có thể chấm với nước cá kho hay ăn kèm với mắm thái. Tuy nhiên ngon nhất vẫn là món gỏi sầu đâu, ai ăn rồi cũng phải quên sầu.
Bạn có thể trộn lá sầu đâu cùng với tôm, thịt hay cá tùy thích, nhưng phổ biến nhất là khô. Cái đắng dìu dịu của sầu đâu quyện vào vị mặn, ngọt, và dai của cá khô càng làm cho khẩu vị thăng hoa nhờ mùi đặc trưng, lạ miệng, hoàn toàn không giống với bất cứ loại gỏi nào.
Mắm ruột
Ai chuẩn bị đi du lịch An Giang, nhất là vùng Châu Đốc thì thường sẽ được người thân nhờ vả “mua dùm kí mắm”. Bạn có biết vì sao không vì ở đây có mắm nhiều nhất và ngon nhất trong các tỉnh miền Tây. Ngoài làm lẩu mắm thì người dân nơi đây thường rất chuộng món mắm sống ăn kèm với rau thơm và ớt sừng trâu.
Dần dà người dân cho thêm vào món mắm sống này các nguyên liệu như thịt ba rọi luộc, hột vịt, tôm luộc, gừng cắt lát và đu đủ mỏ vịt bào sợi (đu đủ sắp chín),… từ đó người ta gọi đó là món mắm ruột. Trong những ngày mưa mà có một tô cơm nóng hổi cùng 1 dĩa mắm ruột đỏ ao thì dù bụng có đang no bạn cũng sẽ không thể nào từ chối được.
Xôi phồng chợ Mới
Xôi phồng chợ Mới là một món xôi chiên ăn kèm gà quay tuyệt ngon. Nếu đã đến An Giang mà bạn chưa thưởng thức món ăn này thì bạn được xem là vẫn chưa đến đây đâu đó. Do được phù sa bồi đắp quanh năm nên chợ Mới là nơi có nguồn gạo, nếp ngon nhất nhì miền Tây. Sau khi thu hoạch nếp về người dân sẽ trộn cùng đậu xanh nấu thành xôi, tiếp đến sẽ đem xôi đó đi chiên. Miếng xôi chiên có màu vàng ươm, thơm, ăn rất ngon. Bạn có thể chấm xôi chiên với tường ớt hoặc xì dầu và ăn kèm cùng gà quay, loại gà được nuôi thả vườn vùa dai vừa ngọt thịt đảm bảo không thể chê vào đâu được.
Tung lò mò
Tung lò mò là cách gọi lạc xưởng bò của người Chăm sống ở An Giang. Không giống với lạc xưởng heo, lạc xưởng bò sau khi làm xong chỉ cần phơi cho khô là có thể đem chiên hoặc nướng. Cách chế biến tung lò mò ngon nhất là nướng trên than hồng. Sau khi nướng chín xong miếng lạc xưởng sẽ có màu đỏ hồng với mùi hương đầy quyến rũ. Chỉ cần cắn một miếng là bạn đã có thể cảm nhận ngay cái vị ngọt bùi của thịt và mỡ bò, vị chua chua của cơm nguội lên men hòa cùng gia vị cay của ớt,… Thường người ta sẽ ăn tung lò mò cùng một ít rau sống, khế chua hay chuối chát.
Bánh phồng Phú Mỹ
Tại An Giang có một làng nghề làm bánh phồng nổi tiếng tồn tại gần 70 năm, với 50 cơ sở sản xuất và 300 lao động. Chính vì thế nếu có dịp đến vùng đất này bạn đừng bỏ lỡ cơ hội đến đây tham quan quy trình cũng như thưởng thức thứ đặc sản này nhé.
Bánh phồng ở Phú Mỹ không lớn lắm chỉ nhỏ bằng cái dĩa tuy nhiên khi nướng chín phồng to hơn cái quạt nan. Bánh vừa xốp lại vừa mềm, cắn vào là cảm nhận được vị béo của nếp, vị ngọt của đường, mùi thơm của sữa ngay đầu lưỡi. Loại bánh này thường chỉ xuất hiện ở miền Tây dịp Tết nguyên đán hay đám tiệc, nhưng đối với người dân An Giang thì nó có mặt hầu như quanh năm.
Cốm dẹp An Giang
Người Khmer sống ở An Giang từ lâu đã gắn bó với nghề nông. Thế nên những món đặc sản của họ hầu như đều được chế biến từ những loại cây đã bén rễ trên vùng đất này. Và cốm dẹp là một ví dụ điển hình, không ai nhớ được món này hình thành từ lúc nào nhưng trong kí ức của mỗi người thì nó đã có từ rất lâu rồi. Đặc biệt món ăn này còn có một ý nghĩa rất quan trọng với người Khmer, nó như một thứ quà quý để dâng tạ trời phật trong ngày lễ Cúng trăng (nghi lễ chính trong lễ hội Ok om bok).
Bò bảy món núi Sam
Nằm ở thị xã Châu Đốc, núi Sam là nơi không chỉ nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp mà còn để lại nhiều ấn tượng tốt với du khách nhờ món bò bảy món núi Sam độc đáo. Bò bảy món núi Sam gồm lòng bò luộc, bò đun bánh hỏi, cháo đầu bò, bò khía bánh mì, bò xào lá giang, bò lúc lắc và bò bít tết. Khi làm món bò bảy món người ta thường không mua thịt bán sẵn ngoài chợ mà mua nguyên con bò còn sống và phải là bò tơ.
Bánh bò thốt nốt Châu Đốc
Thốt nốt là một loài thực vật thuộc họ Cau, lá có thể dùng lợp nhà làm chất đốt, thân có thể làm bàn ghế và trái có thể chế biến thành một loại đường vàng. Với vị ngọt đặc trung khó tả thốt nốt đã được đưa vào chế biến nhiều món bánh ngọt nổi tiếng ở miền Tây. Trong đó, có một món bánh mà ai cũng mê đó là bánh bò thốt nốt. Chiếc bánh bò thốt nốt vàng ươm nóng hổi, xôm xốp hòa với vị béo ngọt của thốt nốt đã bảo sẽ khiến bạn bị ghiền món này cho xem.
Bò cạp Bảy Núi
Ở vùng Bảy núi bò cạp nhiều vô kể, nên nói đến ẩm thực hay đặc sản An Giang thì chắc bò cạp cũng không thể nào thiếu. Bò cạp ở đây có màu đen nhánh, hai càng to kềnh, to cỡ con dế cơm. Chúng thường được bán đầy ở ven 2 bên đường dọc Để có được những con bò cạp thế này, những người chuyên săn lùng con vật này phải lên núi mới có. Bò cạp ngon nhất là chiên giò qua dầu nóng sau đó ăn cùng rau thơm, cà chua, dưa leo và vài cọng ngò, chấm với muối tiêu chanh. Ngoài ra, người dân nơi đây còn dùng bò cạp để ngâm rượu, loại rượu được nhiều người ca tụng là có thể chữa đau lưng và nhức mỏi.
Bún cá Long Xuyên
Bún cá Long Xuyên là món ăn đặc sản dân dã, thôn quê Châu Đốc, An Giang. Nếu về đúng dịp cá lóc đầu mùa, thì món ăn sẽ được ngon hơn. Điều nổi bật của món bún cá này đó là màu vàng của nghệ. Nghệ vàng ươm nhuộm cho màu trắng của cá thêm đậm đà, làm cho màu nước lèo thêm sóng sánh, hấp dẫn. Tô bún cá An Giang thường lấy cá lóc đồng làm “điểm nhấn”, rau nhút bẻ cong hay những cọng rau muốn bào xanh ươm và thêm 1 ít chuối thái sợi. Cá lóc được chọn lựa cá tươi ngon, luộc sơ, tróc da, gỡ xương rồi đem đi xào với nghệ.
Ngoài 10 món ngon kể trên thì vùng đất An Giang vẫn còn rất nhiều những món ăn hấp dẫn khác, hãy cùng đến đây và cảm nhận nhé.