Ẩm thực miền Tây Đặc sản Đồng Tháp

10 món ngon Đồng Tháp nghe tên thôi đã thấy thèm

Mỗi khi nhắc đến Đồng Tháp Mười người ta sẽ thường nghĩ ngay đến vẻ đẹp của thiên nhiên với những cánh rừng tràm bạt ngàn, các hồ sen mênh mông, những vườn cò sân chim hoang sơ,… Nhưng chuyến du lịch Đồng Tháp của bạn sẽ không thật sự trọn vẹn nếu thiếu đi việc khám phá ẩm thực, đặc biệt là 10 món đặc sản sau đây.

10 món ăn không thể bỏ qua ở Đồng Tháp

Cá lóc nướng cuốn lá sen non

Hình 1 – Cá lóc nướng cuốn lá sen non, món ăn dân dã miền sông nước
Hình 1 – Cá lóc nướng cuốn lá sen non, món ăn dân dã miền sông nước

Cá lóc nướng là món ăn khá phổ biến ở miền Tây sông nước, tuy nhiên nếu đến Đồng Tháp bạn sẽ được thưởng thức một “phiên bản” cá lóc nướng ngon “tuyệt cú mèo” – đó là cá lóc nướng lá sen non. Lá sen non được xem như loại rau sạch, lá sen được chọn để nướng cùng cá lóc là lá sen vừa nhô lên mặt nước, hai mép lá cuốn tròn vào giữa. món ăn sẽ ngon hơn nếu có thêm phần mắm me vừa chua chua ngọt ngọt.

Ốc treo giàn bếp

Hình 2 - Ốc dùng để chế biến món ốc treo giàn bếp này là ốc lác
Hình 2 – Ốc dùng để chế biến món ốc treo giàn bếp này là ốc lác

Loại ốc dùng để chế biến món ăn này là ốc lác, vì thịt của loại ốc này thường mềm và béo hơn các loại ốc khác. Ốc bắt được đem về rửa sạch, đựng trong giỏ đan bằng tre rồi đem treo chỗ cao trên giàn bếp. Điều đặc biệt là bạn treo ốc lác trên giàn bếp 4 đến 5 tháng mà chúng vẫn còn sống. Ốc treo giàn bếp béo mập, để hàng ngày khi nấu cơm khói xông vào giỏ đựng ốc, ốc sẽ ngửi khói xông lên là đạt yêu cầu.

Chuột quay lu Cao Lãnh

Hình 3 – Chuột đồng quay lu, món ăn không thể bỏ qua ở Đồng Tháp
Hình 3 – Chuột đồng quay lu, món ăn không thể bỏ qua ở Đồng Tháp

Vào mùa nước nổi người dân Đồng Tháp Mười sẽ đổ xô đi bắt chuột đồng. Bởi thời điểm này chuột đồng nhiều vô kể. Bắt đem về người ta sẽ nấu thành nhiều món như chuột xào lăn, xé phai hay rô ti, luộc cơm mẻ,… nhưng ngon nhất vẫn là quay lu. Những chú chuột quay chín vàng mỡ tươm ra lán bóng, mùi hương tỏa đi nghi ngút làm sao mà bỏ qua được kia chứ. Xé từng miếng thịt chấm với muối tiêu chanh, thêm một ít chuối chát hay cà chưa, rau răm thì các dân nhậu có thể lai rai cả lít rượu đế.

Dồi rắn

Hình 4 – Dồi rắn, món đặc sản chỉ có vào mùa nước nổi
Hình 4 – Dồi rắn, món đặc sản chỉ có vào mùa nước nổi

Món ăn nổi tiếng khác được nhiều người yêu thích ở Đồng Tháp nữa đó là dồi rắn. Tuy nhiên bạn phải đợi đến mùa nước nổi mới có thể thưởng thức món ăn độc đáo này. Loại rắn dùng để làm dồi rắn thường rắn bông súng và rắn nước vì chúng khá “hiền lành” ít khi cắn người và không độc thịt rắn mềm và ngọt lịm. Rắn sau khi bắt về sẽ được thui hoặc trụng nước nóng cho tróc hết vảy, rút ruột, rửa sạch bụng để ráo nước, rồi lột da. Sau đó bằm nhuyễn thịt rắn và ướp cùng các loại gia vị, tiêu, bột ngọt. tiếp đến sẽ cho toàn bộ hỗn hợp trên vào phần da rắn cho đến khi căng tròn, rồi dùng dây buộc kín hai đầu hay phân ra thành từng đoạn mang đi hấp, chiên hoặc nướng tùy thích.

Lẩu cá linh bông điên điển

Hình 5 – Lẩu cá linh bông điên điển, món ăn đặc chất miền Tây
Hình 5 – Lẩu cá linh bông điên điển, món ăn đặc chất miền Tây

Mỗi năm bước vào tháng 9 là cá linh ở đâu đổ về Đồng Tháp rất nhiều. Lúc này cá linh con nào con nấy to tròn béo nục xương mềm, bụng cá lại có mỡ nên ăn rất béo. Loại cá này được xem là đặc sản của mùa nước nổi và đây cũng là mùa mà loại bông điên điển nở vàng khoe sắc khắp cả mé sông. Loại bông cho hương vị rất đặc biệt, có độ giòn, thơm, bùi, béo lại nồng đượm hương, mang màu sắc “hương đồng cỏ nội”.

Bông súng mắm kho

Hình 6 – mùa nước nổi bông súng ở Đồng Tháp nhiều vô kể
Hình 6 – mùa nước nổi bông súng ở Đồng Tháp nhiều vô kể

Nếu là dân ở miền Tây thì chắc bạn sẽ không hề xa lạ với món mắm kho bông súng. Và đây cũng chính là một trong những món ngon nằm trong nền ẩm thực Đồng Tháp. Mỗi khi nước lũ về bông súng lại trắng đồng, người dân thường nhổ về rửa sạch, tước vỏ bên ngoài, ngắt mỗi cọng độ dài chừng hai gang tay, để trong rổ cho ráo nước. Mắm kho thơm ngon hòa quyện vị cay của ớt, the của sả, ngọt của tép, cái giòn giòn và mềm mềm của bông súng tạo thành món ăn tuyệt vời mang đầy màu sắc đồng nội.

Tắc kè xào lăn

Hình 7 – Không chỉ nuôi làm cảnh tắc kè còn là một nguyên liệu chế biến nhiều món ngon ở Đồng Tháp
Hình 7 – Không chỉ nuôi làm cảnh tắc kè còn là một nguyên liệu chế biến nhiều món ngon ở Đồng Tháp

Do đặc thù là cây cối um tùm, nên Đồng Tháp là vùng đất sinh sống của nhiều loài động vật. Trong đó có tắc kè, không chỉ bắt về nuôi làm cảnh chơi cho vui nhiều người ở đây còn dùng tắc kè chế biến món ăn. Phổ biến nhất là món tắc kè xào lăn. Làm sạch chặt nhỏ tắc kè xong người ta sẽ ướp với đại hồi, tiểu hồi, bắc chảo phi mỡ tỏi, rồi đổ thịt tắc kè vào xào cho săn lại. Sau đó cho nước cốt dừa vào để lửa liu riu cho nước cốt dừa thấm đều vào thịt.Khi thấy nước cốt dừa sắc xuống, ta bắc chảo ra, rắc đậu phộng lên là xong. Thịt tắc kè thơm ngon, đặc biệt là phần đuôi rất béo, đảm bảo ăn rồi bạn sẽ không thể nào quên.

Nem Lai Vung

Hình 8 – Nem Lai Vung món đặc sản thường được du khách mua làm quà
Hình 8 – Nem Lai Vung món đặc sản thường được du khách mua làm quà

Tại thị trấn Lai Vung có một làng nghề làm nem nổi tiếng đã có trên 60 năm qua. Một trong những thứ đặc sản nổi tiếng ở Đồng Tháp. Nguyên liệu để làm nem là thịt và bì heo, ngoài ra có thêm các loại gia vị như tiêu, ớt, tỏi. Nem ở đây được chế biến qua nhiều công đoạn phức tạp và nghiêm ngặt với tỉ lệ thịt, bì, gia vị riêng, đảm bảo cân đối, hài hòa. Khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận sự khác nhau giữa nem Lai Vung với nem ở các vùng khác. Nó đặc sắc ở có vị ngọt của thịt và vị chua của nem. Trước khi nem chưa lên men bạn có thể nướng chúng trên than hồng ăn kèm với bún và rau sống thì cũng tuyệt lắm đấy.

Hủ tiếu Sa Đéc

Hình 9 – Hủ tiếu Sa Đéc, món ăn được chế biên vô cùng công phu
Hình 9 – Hủ tiếu Sa Đéc, món ăn được chế biên vô cùng công phu

Hủ tiếu Sa Đéc không giống với hủ tiếu ở các vùng khác. Sợi hủ tiếu vừa phải không quá nhỏ cũng không quá lớn, mềm mà không bở và cũng không dai, vị không chua, thơm mùi gạo mới, trắng tươi màu sữa. Điểm mấu chốt tạo nên sự hoàn hảo cho món ăn này đó là nước lèo. Nước lèo của hủ tiếu Sa Đéc được nấu công phu với xương heo, phải thăm chừng độ lửa, phải biết hớt bọt mới trong và tỏa thơm hương vị, cũng là một bí quyết.

Bánh phồng tôm Sa Giang

Hình 10 – Đặc sản bánh phồng tôm Sa Giang
Hình 10 – Đặc sản bánh phồng tôm Sa Giang

Ở Sa Đéc ngoài hủ tiếu thì vẫn còn một thứ đặc sản ai cũng biết đó chính là bánh phồng tôm Sa Giang. Đây cũng chính là nơi chuyên sản xuất bánh phồng tôm nhiều nhất cả nước và Sa Giang là một thương hiệu nổi tiếng từ rất lâu. Những chiếc bánh phồng tôm giòn tan thơm thơm, cay cay là thứ quà vặt của giới trẻ của cả nước. Bánh phồng tôm ăn không cũng ngon, ăn chơi cùng các món gỏi càng đậm đà.

Hãy thử một lần đến Đồng Tháp thưởng thức ẩm thực bạn sẽ thấy được sự hiếu khách và thân thiện của người miền Tây là như thế nào.

Post Comment